Tin tức hằng ngày update

Ngày 5/10, nhiều bà con, hàng xóm đã đến thăm nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Ai cũng trào dâng nỗi tiếc thương.
Bà con, hàng xóm vẫn không tin vào sự thật khi biết Đại tướng, người con của quê hương đã ra đi ở tuổi 103. Từ sáng sớm, nhiều người sang nhà Đại tướng thắp hương trên bàn thờ gia đình.
Clip người dân khóc thương Đại tướng tại quê nhà. Nguồn: VTV.
“Dẫu biết sinh lão bệnh tử là quy luật bất biến của tự nhiên, nhưng khi hay tin Bác Giáp mất tôi vẫn rất bàng hoàng vô cùng. Quê tôi vừa trải qua cơn đại hồng thủy lịch sử, nỗi đau chưa nguôi ngoai thì nay lại phải đón nhận hung tin, tôi chỉ biết nghẹn ngào không thốt nên lời”, cụ bà Nguyễn Thị Huệ, năm nay 93 tuổi xúc động.
Người dân làng An Xá truyền tay nhau những bức ảnh chân dung về người anh hùng của quê hương vừa ra đi.
Cụ bà Nguyễn Thị Huệ bệnh nặng không thể đi lại được. Lúc Đại tướng còn sinh thời, cụ bà Nguyễn Thị Huệ có nhiều lần được gặp mặt, trò chuyện với Đại tướng khi người về thăm quê.
“Mỗi lần Bác Giáp về quê, Bác luôn hỏi thăm sức khoẻ và động viên bà con sản xuất, cố gắng làm ăn”, cụ Huệ thì thào kể. Nhiều người hàng xóm quanh nhà Bác Giáp kể lại Đại tướng thường hỏi thăm bà con rất tỉ mỉ và sâu sắc. Sau khi hỏi thăm xong tình hình, Đại tướng luôn mời bà con cùng chụp ảnh lưu niệm trước căn nhà. Đến giờ, nhiều người ở thôn An Xá vẫn còn lưu giữ những tấm ảnh chụp chung với Đại tướng mỗi lần người về thăm quê.

"Không tin Bác Giáp mất"

Hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi mãi mãi, người dân thôn An Xá (xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) nói riêng và cả tỉnh Quảng Bình nói chung hết sức bàng hoàng. Nén nước mắt vào trong, nhiều người dân cố gặng hỏi thêm đôi ba lần nữa để xác tín cái tin mà không ai muốn nghe.
Xem toàn bộ ảnh không khí tại quê nhà Tướng Giáp tại đây 
Từ đầu làng đến cuối thôn hôm nay im lặng lạ thường, mọi người nói chuyện nhỏ nhẹ, đi lại khẽ khàng… vì quá bất ngờ trước sự ra đi của Bác Giáp, cách thân mật mà mọi người ở đây vẫn gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Võ Đại Hàm, người được Đại tướng tin tưởng nhờ trông giúp căn nhà ở quê, khi hay tin Đại tướng mất đã khóc không thành lời. “Chiều tối qua, tôi chuẩn bị ăn cơm thì nghe điện thoại người thân từ Hà Nội gọi báo Đại tướng mất. Lúc đó nước mắt tôi trào ra, cảm xác dâng lên, tôi khóc không thành tiếng. Từ đó cho đến 1h sáng 5/10, điện thoại của tôi liên tục đổ chuông, mọi người gọi điện hỏi thăm về sự ra đi của Đại tướng”, ông Hàm kể.
Ông Võ Thanh Bình, 61 tuổi, cháu gọi tướng Giáp bằng bác, không cầm được dòng lệ.
Còn với ông Võ Thanh Bình, 61 tuổi, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa quét qua Quảng Bình, gia đình vẫn không có điện nên nghe tin muộn. “Tôi nghe tin Đại tướng mất từ tối qua nhờ một người bạn báo tin. 10h sáng nay, tôi tức tốc về nhà Đại tướng để cùng mọi người lo việc hậu sự”, ông Bình bộc bạch.
“Trong một lần về thăm quê, tôi may mắn gặp Bác Giáp. Bác dặn mọi người trong cuộc sống phải tự thân phấn đấu và trưởng thành, không dựa dẫm vào người khác. Đại tướng không bao giờ có tư tưởng nâng đỡ con cháu”.
“Tôi đi bộ đội rồi bị thương và xuất ngũ năm 1973. Mọi người thấy tôi sức khoẻ yếu, bị liệt tay phải nên bảo tôi về nhà an dưỡng. Nhưng ghi nhớ lời dặn của Đại tướng, tôi đã đăng ký đi học sư phạm rồi phấn đấu trong công tác lên đến chức phó hiệu trưởng”.
Ông Bình tâm sự, nếu không có lời dạy của Đại tướng thì ông đã nghỉ ngang, hưởng chế độ thương binh chứ không được là một người giáo viên như ngày nay.
Với bà Võ Thị Lài (75 tuổi), là cháu dâu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì "Bác Giáp" để lại ấn tượng sâu sắc. “Đó là những lần Bác Giáp về quê, Bác cầm tay tôi ân cần hỏi thăm sức khoẻ, động viên chuyện đồng áng”. Nói đến đây, bà Lài nấc nghẹn, đôi mắt rưng rưng dòng lệ. Lấy tay quệt vội dòng nước mắt, bà Lài nói tiếp: “Chừ Bác Giáp mất rồi, lấy ai mà tay cháu đây”.
Bà Võ Thị Lài (75 tuổi), là cháu dâu của Đại tướng, khóc nức nở khi hay tin bác qua đời.
Ấn tượng Đại tướng để lại trong lòng bà con ở quê là sự chân thành, quan tâm sâu sắc đến sức khoẻ và công việc của bà con. Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn xã còn nghèo thì bà con phải đoàn kết, đổi mới, đừng trì trệ. “Đại tướng nhắc nhở quê thuần nông nên phải phát triển ra biển. Đồng thời, làng có nghề chiếu truyền thống phải duy trì và phát triển”, ông Võ Đại Hàm kể lại.

Căn nhà gắn với tuổi thơ

“Những năm sau nghỉ hưu, Đại tướng thường xuyên về quê hơn. Mỗi lần về quê, Đại tướng đến thắp hương ở các nghĩa trang, thăm thú bà con khắp các huyện. Lần nào về, Đại tướng cũng cố gắng sắp xếp, nghỉ lại trong căn nhà này 1-2 đêm”, ông Võ Đại Hàm kể.
Về lai lịch căn nhà, ông Hàm thông tin: “Năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Quảng Bình, bắt bố Đại tướng là ông Võ Quang Nghiêm đi. Sau đó, bọn chúng đốt trụi làng xóm. Căn nhà của Đại tướng chỉ còn lại nền đất và đống tro tàn. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ ác liệt, nền đất vẫn còn đó nhưng không có ai dựng lại ngôi nhà. Sau giải phóng, năm 1977, gia đình và chính quyền mới dựng lại căn nhà của Đại tướng trên nền đất cũ và theo mẫu nhà trước 1925, là thời điểm trước khi Đại tướng rời quê hương vào Huế học. Căn nhà rường 3 gian, 2 chái và 5 lồng theo truyền thống, được Bác Giáp xác nhận là căn nhà gần giống với căn nhà do ba mẹ Đại tướng dựng”.
Trong căn nhà này còn lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh liên quan đến cuộc sống và chiến đấu của Đại tướng. Từ năm 1977 đến nay, ông Võ Đại Hàm thay mặt Đại tướng trông nom căn nhà và đón tiếp khách đến thăm. Mỗi năm, có khoảng 40 đoàn khách, trong nước và cả quốc tế đến thăm nhà lưu niệm của Đại tướng.
Cây khế có từ trước khi tướng Giáp sinh ra, gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng. 

Gắn với kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có cây khế hơn 100 tuổi sau góc nhà. Ông Hàm cho biết, cây khế này có trước khi Đại tướng ra đời. Và chính nhờ cây khế này mà bà con, gia đình mới có căn cứ để dựng lại căn nhà cho Đại tướng. “Mỗi lần bão lụt, Đại tướng gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình. Sau khi hỏi thăm hết mọi người thì Đại tướng luôn luôn nhớ hỏi về cây khế sau nhà. May mắn thay, dù bao cơn bão qua đi nhưng cây khế vẫn đứng vững, cho trái quanh năm”, ông Hàm kể.
Gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng, ở quê nhà còn có bến sông Kiến Giang chỉ cách nhà vài chục bước chân. Mỗi lần về thăm quê, đại tướng đều ra bến sông khoát nước rửa mặt, nếm hương vị quê nhà để bớt đi nỗi nhớ mong của người con xa quê.
Đến đầu giờ chiều 5/10, bà con thôn An Xá đã hoàn tất việc quét dọn đường làng, ngõ xóm. Gia đình cũng đã sẵn sàng lo hậu sự Đại tướng.

No comments:

Post a Comment